NGƯỜI KHỞI NGHIỆP HAY MẮC SAI LẦM GÌ?

Bạn và tôi, chúng ta bắt đầu khởi nghiệp, lập nghiệp đều vì một lý do nào đó. Cần thống nhất với nhau một điều là vì bất kỳ lý do gì thì bạn “cũng đúng”, bởi mỗi chúng ta là những cá thể không giống nhau, chúng ta có những lý do không giống nhau. Nhưng qua trải nghiệm cá nhân và qua tham khảo ý kiến cộng đồng, tôi xin tổng kết và chia sẻ chủ đề về “sai lầm của những người khởi nghiệp” – cái mà chúng ta khá giống nhau.

NGƯỜI KHỞI NGHIỆP HAY MẮC SAI LẦM GÌ?

NGƯỜI KHỞI NGHIỆP HAY MẮC SAI LẦM GÌ?

BẢN THÂN MÌNH SAI LẦM GÌ?
Đầu năm 2018, mình bắt đầu xây dựng một công ty về giáo dục Online có tên LetsPro. Sản phẩm của công ty là các khóa đào tạo ngắn hạn bằng hình thức Online trực tuyến theo nhóm, thông qua hình thức ZOOM. Ngày đó, mình dự đoán trong 2-3 năm nữa, khi tốc độ mạng 4G-5G thực sự tốt, thì nhu cầu học Online trực tuyến trực tiếp sẽ bùng nổ và là một xu hướng tất yếu. Mình nghĩ: chạy trước vài năm, nếu làm tốt, khả năng sẽ chiếm lĩnh thị trường. Về xu hướng thì mình khá đúng, còn “chiếm lĩnh” thị trường thì mình đã sai, mình thất bại sau 1 năm triển khai.

Dưới đây là một số sai lầm cơ bản mà bản thân mình mắc phải:

- Không hiểu rõ khách hàng: ở đây, mình không TÌM HIỂU KHÁCH HÀNG TRƯỚC - tức là mình bắt đầu với sản phẩm. Mình “giỏi” tiếng Anh nên bắt đầu với việc đào tạo các khóa tiếng Anh online qua Zoom, các khóa của mình dạy khá đông học viên tham gia, tầm 15-20 học viên/lớp. Ngoài mình thì nhiều Thầy/Cô khác được tuyển dụng và giảng dạy cùng. Các khóa được chia theo level, từ thấp đến cao (5 level), mỗi level đều có 2-3 giáo viên phụ trách và đứng lớp. Một mình mình dạy thì ổn, nhưng khi mở rộng lớp thì chả ổn tẹo nào, học viên bắt đầu giảm dần, sĩ số tối thiểu của một lớp dần dần không đảm bảo được. Sai lầm của mình là KHÔNG THỰC SỰ HIỂU KHÁCH HÀNG CỦA MÌNH. Không hiểu rõ sở thích, hành vi, nỗi đau, lợi ích của họ. Họ không như mình nghĩ, dẫn đến các sản phẩm đào tạo được thiết kế không đáp ứng được nhu cầu của họ trên môi trường Online. --> Bài học ở đây là: HÃY BẮT ĐẦU VỚI KHÁCH HÀNG, VÀ PHẢI THẬT HIỂU HỌ.

- Quá nhiều sản phẩm: Ngoài tiếng Anh, công ty còn có một loạt các khóa đào tạo khác: kỹ năng mềm, thuyết trình, powerpoint, excel, vẽ kỹ thuật…. đâu đấy tầm gần 50 lớp khác nhau. Các sản phẩm này khác nhau, và đối tượng khách hàng cũng khác nhau. Bạn tưởng tượng là một công ty khởi nghiệp, nguồn lực còn yếu, khách hàng chưa nhiều, tiếng tăm chưa có, mà có tận tới gần 50 đối tượng khách hàng khác nhau, trong khi lại chưa hiểu rõ về họ thì sẽ như thế nào? Fail là đúng rồi còn gì nữa.!
Chỗ này thì mình khuyên các bạn mới đầu nên làm ít ít sản phẩm thôi, tầm 3-5 sản phẩm, tập trung vào đúng 1 đối tượng khách hàng đã định trước, bán nhiều sản phẩm cho cùng một đối tượng thì tốt hơn. Mới đầu thì cần tập trung, phát triển rồi thì phân tán, mở rộng sau cũng ko muộn.

- Thiếu kế hoạch tài chính: Mình thực sự không có kế hoạch rõ ràng về mặt tài chính: doanh thu, chi phí, lợi nhuận, dòng tiền…. những cái này thì ban đầu mình áng áng trong đầu hoặc chỉ viết sơ bộ thôi chứ không lên bảng tính và ra các con số cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn. Nếu mới khởi nghiệp thì chúng ta cần phải tính được 02 loại chi phí cơ bản: 1) Vốn đầu tư ban đầu: xây dựng website, nhập hàng, thiết kế sản phẩm, setup văn phòng, setup cửa hàng, setup nhà máy….. 2) Vốn hoạt động: cần chi phí để trang trải các chi phí cố định (văn phòng, nhân sự, marketing,….). Số vốn tối thiểu nên dự trù và có kế hoạch cho nó đó là tổng (Vốn đầu tư ban đầu + 12 tháng vốn hoạt động).
Có thể các bạn bảo, ôi dời, tính gì tận 12 tháng, chả lẽ ko bán được hàng à? ừ, có thể lắm chứ, ko bán được thì lấy tiền đâu hoạt động? và mình tính toán ko chuẩn thì sao (ý là vốn hoạt động mình tính ko chuẩn, sẽ tăng lên nhiều, và thường tăng hơn so với tính toán)?. Việc có kế hoạch tài chính đảm bảo cho dự án hoạt động tối thiểu 12 tháng. Có những dự án phải 24 tháng, 60 tháng, thậm chí 10 năm. Cái này thì tùy quy mô, lĩnh vực, ngành.. bạn nên có kế hoạch tài chính cho nó. Nhưng người khởi nghiệp dễ gãy ở chỗ này.

- Một số sai lầm khác: sử dụng đội ngũ, cách scale up,… những cái này cũng góp thêm phần để business của mình fail nhanh chóng.

các sai lầm khi khởi nghiệp

CHIA SẺ CỦA CÁC BẠN KHÁC TRONG CỘNG ĐỒNG

Mình có một post hỏi các bạn trong cộng đồng những người khởi nghiệp về những sai lầm của mọi người trong khởi nghiệp và vận hành kinh doanh, mình xin liệt kê lại một số sai lầm như sau:
- Tin người quá (nên bị lừa, bị lợi dụng)
- Chọn sản phẩm mình thích chứ ko phải thị trường cần (giống mình nè)
- Không đăng ký thương hiệu (cần bảo hộ, cái này ai cần mình hỗ trợ được nhé)
- Rủ nhau góp vốn theo cảm hứng, tiền mất, bạn mất (khá phổ biến nhé)
- Thấy mình nổi tiếng quá, kiểu ảo tưởng sức mạnh, ko quan tâm khách hàng.
- Tham quá, thì thâm (cần biết điểm dừng)
- Bị đối thủ làm giả, làm nhái (cần có biện pháp chống hàng giả, cái này mình hỗ trợ được nhé)
- Người đồng sáng lập kém, năng lực yếu
- Anh/em cổ đông không thống nhất, một thời gian chia tay trong hận thù.. (có vẻ nhiều người bị cái này)
- Chọn địa điểm sai (đặc biệt ngành F&B)
- Cố chấp và tự tin thái quá
- Sài tiền ngu, sài tiền không hiệu quả
- Sai thời điểm, gặp cô vy
- Quản lý yếu kém (nhân sự, sản phẩm)…


HẠN CHẾ SAI LẦM NHƯ THẾ NÀO?

Trong tiếng Anh có câu “Do your homework” – Đại ý là phải làm bài tập, phải nghiên cứu kỹ trước khi bắt đầu. Mình khởi nghiệp thì nên bắt đầu từ mô hình kinh doanh, tìm hiểu khách hàng, tìm hiểu đối thủ, tìm hiểu sản phẩm, có kế hoạch tài chính, lập kế hoạch kinh doanh, lập kế hoạch vận hành…. bla bla nhiều thứ lắm. Cái đau đầu lớn nhất của những người làm kinh doanh là chúng ta mắc sai lầm chả lần nào giống lần nào, thường thì sai lầm sau sẽ khác sai lầm trước.. Càng nghiên cứu kỹ và có kế hoạch tỉ mỉ thì tỉ lệ sai lầm sẽ đỡ hơn. Hãy “do your homework” nhé cả nhà.
Trên đây là chia sẻ và tổng hợp của mình về một số sai lầm trong khởi nghiệp. Hy vọng các bạn đọc và thu lượm được một số ý cho bản thân mình.
Mình welcome các chia sẻ về sai lầm, bài học của bạn để mọi người cùng tham khảo.
Chúc bạn thành công trên con đường đã chọn!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn